Các tình huống đặc biệt khi tiêm vắc-xin ngừa sởi - quai bị - rubella
1. Tổng quan về bệnh sởi, quai bị, rubella
Bệnh sởi:
Bệnh sởi do virus sởi gây ra, bệnh lây lan qua đường hô hấp, nước mũi, nước bọt của người mang mầm bệnh, đặc biệt với người chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh sởi nguy hiểm vì có thể gây viêm tai giữa , viêm thanh quản, viêm phế quản – phổi, viêm màng não, ...
Khi phát bệnh, người bệnh sẽ bị sốt, phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan ra toàn thân, có thể kèm theo chảy mũi, ho và đỏ mắt, chảy nước mắt.
Bệnh quai bị:
Bệnh do virus quai bị gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, có thể tạo thành dịch trong cộng đồng. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của bệnh quai bị là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ, kèm theo sốt, sưng và đau hạch góc hàm. Biến chứng đáng lo của bệnh gây ra là khiến 20 – 35% nam giới sau tuổi dậy thì mắc quai bị bị viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn – nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì dễ gây vô sinh ở nam giới.
Bệnh rubella:
Bệnh do virus rubella gây ra, bệnh có những biểu hiện giống như bệnh sởi nhưng thường nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, bệnh đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây dị tật nặng nề cho thai nhi như đục thủy tinh thể, điếc, khuyết tật tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ.., thậm chí có thể khiến thai nhi ngừng phát triển.
Sởi, quai bị và Rubella đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường hô hấp, nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nặng nề, đặc biệt với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, do vậy, mọi người cần có phương pháp để phòng bệnh hữu hiệu.
2. Vacxin sởi, quai bị, rubella
Vắc-xin sởi ,quai bị ,rubella (hay còn gọi là vắc-xin MMR) là vắc-xin sống giảm độc lực được điều chế từ virus sởi (chủng Edmonston–Zagreb), virus quai bị (chủng Jeryl Lynn) và virus rubella (chủng Wistar RA 27/3), được dùng trong tiêm chủng để tạo miễn dịch phòng ngừa 3 bệnh là sởi, quai bị và rubella.
Đối tượng và lịch tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella cụ thể như sau:
Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên: tiêm 2 mũi cách nhau 4 năm. Trường hợp có dịch sởi đang xảy ra, cần cho trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc-xin sởi đơn, sau đó, khi trẻ được 15 tháng tuổi tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella mũi 1 và khi trẻ được 4 - 6 tuổi tiêm nhắc lại vắc-xin sởi quai bị rubella mũi 2.
Người lớn: tiêm 1 mũi. Trường hợp tiếp xúc với người bệnh cần lập tức tiêm vắc-xin sớm trong vòng 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm để phòng bệnh. Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, cần tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella trước 3 tháng để cơ thể có đủ thời gian tạo miễn dịch phòng bệnh, giúp bảo vệ sức khỏe của người mẹ và thai nhi.
3. Các tình huống đặc biệt khi tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella
Một số tình huống đặc biệt sau cần lưu ý khi tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella:
Phụ nữ đang mang thai không có bằng chứng miễn dịch với virus rubella không được tiêm vắc-xin MMR trong thai kỳ. Sau khi sinh có thể tiêm phòng 1 liều.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở không mang thai và không có bằng chứng miễn dịch với virus rubella được khuyến cáo tiêm vắc-xin MMR 1 liều.
Người bị nhiễm HIV (kết quả xét nghiệm trong ít nhất 6 tháng có số lượng CD4 ≥200 tế bào/μL), không có bằng chứng miễn dịch với cả 3 bệnh bệnh sởi, quai bị hoặc rubella cần tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Trường hợp người bị nhiễm HIV có kết quả xét nghiệm số lượng CD4 <200 tế bào/μL chống chỉ định tiêm vacxin sởi quai bị rubella.
Người bị suy giảm miễn dịch mức độ nặng chống chỉ định tiêm vắc-xin MMR .
Du học sinh, khách du lịch quốc tế, hoặc tiếp xúc với người bị suy giảm miễn dịch và không có bằng chứng miễn dịch với cả 3 bệnh sởi, quai bị, rubella cần tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 4 tuần (nếu chưa từng tiêm bất kỳ liều vắc-xin MMR) hoặc 1 liều (nếu đã tiêm 1 liều vacxin MMR trước đó).
Nhân viên y tế nếu không có bằng chứng miễn dịch với 3 bệnh sởi, quai bị, rubella cần tiêm tiêm 2 liều vắc-xin MMR cách nhau ít nhất 4 tuần đối với bệnh sởi hoặc quai bị, hoặc tiêm ít nhất 1 liều đối với rubella.
Người bị phơi nhiễm Trường hợp tiếp xúc với người bệnh cần lập tức tiêm vắc-xin sớm trong vòng 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm để phòng bệnh , tiêm 1 liều
Chống chỉ định tiêm vắc- xin MMR
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin,
- Những người đang mắc các bệnh loạn sản máu, các bệnh u lympho, hoặc các khối u ác tính ảnh hưởng đến hệ bạch huyết, tủy xương.
- Người đang điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch (bao gồm corticoid liều cao), hoặc đang mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
- Người mắc bệnh lao thể hoạt động chưa được điều trị.
Nguồn: Vinmec